Lão hóa lành mạnh chịu sự tác động của nhiều yếu tố như chế độ ăn uống, gen, môi trường sống, sức khỏe tâm thần, lối sống,… Trong đó, yếu tố dinh dưỡng là yếu tố nền tảng cơ bản, ảnh hưởng cả tích cực và tiêu cực đến quá trình lão hóa lành mạnh, TS.BS.Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết. Chế độ ăn uống lành mạnh không chỉ giúp ngăn ngừa nhiều vấn đề sức khỏe khi cơ thể già đi như đái tháo đường, tim mạch, béo phì, đột quỵ,.. mà còn giúp kiểm soát tốt triệu chứng, không để bệnh nặng hơn…
Nếu thừa dinh dưỡng sẽ dẫn đến thừa cân, béo phì, làm tăng nguy cơ gây ra các bệnh lý tim mạch, xương khớp, đái tháo đường,… Các bệnh lý lại làm cho quá trình lão hóa diễn ra nhanh hơn, tác động tiêu cực đến lão hóa lành mạnh. Bên cạnh đó, việc ăn uống, tiêu thụ quá nhiều thực phẩm sẽ gây gánh nặng cho các bộ phận trong cơ thể như tim, thận, gan,… khiến chúng phải làm việc nhiều hơn để hấp thu, chuyển hóa và đào thải các chất dinh dưỡng dư thừa, từ đó chúng mau lão hóa hơn.
Nếu thiếu dinh dưỡng thường diễn ra do chế độ ăn nghèo nàn, không cung cấp đủ dinh dưỡng sẽ khiến cho cơ thể yếu ớt, khả năng miễn dịch kém, tăng nguy cơ mắc bệnh với các biểu hiện dễ nhận thấy như tóc xơ, rối, chẻ ngọn, da dẻ xỉn màu, nổi mụn, thường xuyên nhức đầu, cơ thể mệt mỏi, táo bón, khó tiêu,… Thiếu dinh dưỡng cũng tác động tiêu cực đến quá trình lão hóa lành mạnh.
Vậy cách thực hành dinh dưỡng có lợi cho quá trình lão hóa lành mạnh là gì? Theo TS.BS.Nguyễn Trọng Hưng, chế độ dinh dưỡng cần:
Cân bằng và đa dạng: Cơ thể cần nhiều chất dinh dưỡng khác nhau như carbonhydrate, protein, chất béo, vitamin và khoáng chất. Vậy mỗi ngày hãy cố gắng tiêu thụ kết hợp các loại rau lá xanh đậm, các loại trái cây, ngũ cốc nguyên hạt (lúa mì nguyên cám, yến mạch, gạo lứt,…), các loại protein trong các, thịt nạc, gia cầm hoặc trứng hay trong các loại đậu, hạt; các sản phẩm từ sữa ít béo, phô mai hoặc sữa chua… hoặc các sản phẩm thay thế từ đậu nành, gạo hoặc hạt có bổ sung canxi; các loại dầu thực vật như dầu hạt hướng dương hoặc dầu oliu.
Uống đủ nước mỗi ngày: cơ thể cần nước để vận chuyển chất dinh dưỡng, oxy cần thiết cho tế bào, nuôi dưỡng tế bào cho mọi hoạt động của cơ thể. Nên uống khoảng 2 lít nước mỗi ngày, hoặc 40ml nước/kg cân nặng/ngày
Hạn chế muối: không nên tiêu thụ quá một thìa cà phê muối mỗi ngày, và nên giảm muối trong quá trình chế biến thực phẩm. Hạn chế sử dụng thực phẩm đóng hộp, đồ ăn nhẹ như khoai tây chiên,… Hãy giảm muối từ từ đến khi đạt được mức khuyến nghị
Hạn chế sử dụng đường bổ sung: hạn chế nước ép hoa quả, bánh kẹo, nước ngọt đóng chai,…
Không nên kiêng hoàn toàn chất béo: lựa chọn các loại chất béo không bão hòa (cá hồi, cá thu, các loại hạt, dầu ôliu,…) và tránh xa các loại chất béo bão hòa (mỡ lợn, phần da của gia cầm, thịt chế biến như xúc xích, thịt nguội,…)
Bên cạnh việc thực hiện và duy trì chế độ chế độ dinh dưỡng khoa học thì bạn nên kết hợp thay đổi lối sống, tăng cường hoạt động thể chất, ngủ đủ giấc và luôn giữ sức khỏe tinh thần tốt, tránh căng thẳng, stress,…